Một nghiên cứu dựa trên dân số của Đại học Gothenburg cho thấy, những phụ nữ có thời kỳ sinh sản dài hơn sẽ có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn so với những người có khả năng sinh sản trong thời gian ngắn. ‘Thời kỳ sinh sản’ là khoảng thời gian bắt đầu từ lúc có kinh nguyệt đến khi mãn kinh.
Jenna Najar – bác sĩ, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Học viện Sahlgrenska, cô cũng làm việc tại AgeCap, Trung tâm Lão khoa và Sức khỏe tại Đại học Gothenburg, cho biết: “Kết quả của chúng tôi có thể giải thích lý do tại sao phụ nữ có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer sau 85 tuổi cao hơn nam giới và củng cố thêm cho giả thuyết estrogen ảnh hưởng đến nguy cơ sa sút trí tuệ ở phụ nữ”.
Nghiên cứu hiện được công bố trên tạp chí Alzheimer & Dementia. Những người tham gia nghiên cứu bao gồm 1364 phụ nữ ở Gothenburg, Thụy Điển, họ được quan sát và theo dõi từ năm 1968 đến năm 2012 trong 2 nghiên cứu dân số được gọi là ‘Nghiên cứu dân số tiền cứu về phụ nữ ở Gothenburg’ (PPSW) và ‘Nghiên cứu đoàn hệ từ lúc sinh ở Gothenburg H70 Thụy Điển’ ( Nghiên cứu H70).
Trong số những phụ nữ tham gia nghiên cứu, người có thời kỳ sinh sản ngắn hơn (ít hơn 32,6 năm) bị sa sút trí tuệ với tỷ lệ 16% (53 trong số 333 người). Trong nhóm có thời kỳ sinh sản kéo dài hơn (trên 38 năm) bị sa sút trí tuệ với tỷ lệ 24% (88 trong số 364 người). Do đó, sự khác biệt là 8 %.
Với sự khác biệt hiện tại giữa các nhóm phụ nữ, các tác giả giải thích rằng cứ mỗi năm mà người phụ nữ vẫn còn khả năng sinh sản thì nguy cơ mắc sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer sẽ tăng liên tiếp. Mối tương quan giữa chứng sa sút trí tuệ và thời kỳ sinh sản rõ nhất là sau 85 tuổi, và ảnh hưởng mạnh nhất ở tuổi mãn kinh.
Sau khi điều chỉnh các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu, chẳng hạn như trình độ học vấn, hoạt động thể chất, BMI, thói quen hút thuốc lá và bệnh lý tim mạch, các nhà nghiên cứu nhận thấy kết quả vẫn không đổi. Mặt khác, không có mối liên quan nào được tìm thấy giữa nguy cơ sa sút trí tuệ và tuổi bắt đầu có kinh nguyệt, số lần mang thai, thời gian cho con bú hoặc liệu pháp thay thế nội tiết tố (HRT) bằng estrogen ngoại sinh hay thuốc uống tránh thai.
Các nghiên cứu trước đây đã tìm hiểu xem liệu estrogen dưới dạng HRT có ảnh hưởng đến nguy cơ sa sút trí tuệ hay không. Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ sa sút trí tuệ giảm xuống, trong khi những nghiên cứu khác lại tăng lên, đặc biệt ở những phụ nữ dùng estrogen giai đoạn cuối đời.
Thay vào đó, trong nghiên cứu này Jenna Najar đã điều tra mối liên hệ lâu dài giữa các yếu tố liên quan đến estrogen nội sinh và chứng sa sút trí tuệ.
Najar cho biết, ‘Một điểm mới trong nghiên cứu này là chúng tôi có quyền truy cập thông tin về một số sự kiện trong cuộc sống của người phụ nữ có thể ảnh hưởng đến nồng độ estrogen. Ví dụ như thời điểm mang thai, sinh đẻ và cho con bú. Mang thai làm tăng nồng độ estrogen lên rất cao, giảm xuống sau khi em bé được sinh ra và nếu người phụ nữ cho con bú thì nồng độ này giảm xuống mức rất thấp. Chúng tôi càng có được nhiều chỉ số thì kết quả càng đáng tin cậy’
Ingmar Skoog, giáo sư Tâm thần học tại Học viện Sahlgrenska, Đại học Gothenburg, là người đứng đầu AgeCap và cũng là trưởng nhóm nghiên cứu.
‘Các kết quả khác nhau về tác động của estrogen có thể là do nó có tác dụng bảo vệ trong giai đoạn sớm nhưng sau đó lại là một tác động có hại khi bệnh đã khởi phát.’
Đồng thời, Skoog chỉ ra rằng thời kỳ sinh sản của phụ nữ là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng sa sút trí tuệ.
Hầu hết phụ nữ bị mãn kinh muộn không mắc chứng sa sút trí tuệ chỉ vì yếu tố nguy cơ này. Tuy nhiên, nghiên cứu có thể cung cấp một số dữ liệu quan trọng về lý do tại sao sau 85 tuổi phụ nữ có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn nam giới. Mặt khác, bệnh Alzheimer bắt đầu khởi phát khoảng 20 năm trước khi các triệu chứng trở nên rõ ràng.
‘Hầu hết những người bị ảnh hưởng là trên 80 tuổi và là phụ nữ’, Najar cho hay.
‘Do hậu quả của quá trình lão hóa toàn cầu, số người bị ảnh hưởng bởi chứng sa sút trí tuệ sẽ tăng lên. Để có thể thực hiện các chiến lược phòng ngừa, chúng ta cần xác định những người có nguy cơ cao mắc chứng sa sút trí tuệ.’
Người dịch : Thạc sĩ. BS Lê Như Ngọc
Phó khoa phụ sản tại Bệnh viện Family