Vitamin bổ sung trong thai kỳ được khuyến cáo để hỗ trợ cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Mang thai là quá trình khó đoán trước, người phụ nữ có thể mất 1 tháng, 1 năm hoặc thậm chí lâu hơn để cố gắng thụ thai và trở thành mẹ bầu. Ngoài ra, có nhiều giai đoạn phát triển quan trọng của thai nhi diễn ra trước khi người phụ nữ biết rằng mình đang mang thai.
Khi nào nên bắt đầu bổ sung vitamin trong thai kỳ ?
Do tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn cũng như không biết rõ thời điểm thụ thai, nên vitamin được khuyên dùng 3 tháng trước khi cố gắng thụ thai. Việc này giúp khắc phục các tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng đã có trước đó hoặc thiếu hụt do tăng nhu cầu trong lúc mang thai. Nếu không thể bắt đầu bổ sung vitamin 3 tháng trước khi mang thai, thì nên bổ sung acid folic ít nhất 1 tháng trước khi cố gắng thụ thai. Điều này rất quan trọng vì acid folic hỗ trợ sự phát triển và trưởng thành của ống thần kinh (sau này phát triển thành tủy sống, cột sống, não và hộp sọ của em bé) từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 6 của thai kỳ – là thời điểm đa số phụ nữ chưa biết mình mang thai. Bổ sung acid folic trong giai đoạn này có thể giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh. Vitamin ‘bầu’ nên được tiếp tục trong suốt thai kỳ.
Những vitamin nào cần bổ sung trong lúc mang thai?
Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo tất cả phụ nữ trong độ tuổi có khả năng sinh sản ‘nên được kiểm tra về chế độ ăn và vitamin bổ sung để đảm bảo đủ nhu cầu canxi, sắt, vitamin A, vitamin B6 [pyridoxine], vitamin B12 [cobalamin], vitamin D và các chất dinh dưỡng khác’.
Bổ sung acid folic được khuyến cáo cho những phụ nữ này bất kể lượng acid folic có trong chế độ ăn như thế nào, để giúp giảm nguy cơ khuyết tật ống thần kinh.
Mặc dù được Viện Hàn lâm Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo vào năm 1998 như một chất dinh dưỡng thiết yếu, nhưng vai trò của choline đối với sự phát triển của bà mẹ và thai nhi vẫn chưa được công nhận. Choline đang được chú ý trong dinh dưỡng thai kỳ vì nó đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển ống thần kinh, phát triển trí nhớ, tăng sinh tế bào gốc Choline được cho là có tác động đến nguy cơ khuyết tật ống thần kinh không phụ thuộc vào lượng acid folic.
Các vitamin và vi chất được khuyến cáo trong thai kỳ theo ACOG, CDC, FDA và WHO
Bảng khuyến cáo nhu cầu vitamin và vi chất hàng ngày trong thai kỳ
|
||||
ACOG | CDC | FDA | WHO | |
Canxi | ≥ 19 tuổi : 1000mg
14-18 tuổi:1300mg
|
N/A | 1300 mg | 1500-2000 mg
|
Choline | N/A | N/A | 550 mg | N/A |
DHA | N/A | N/A | N/A | N/A |
Acid folic
|
400mcg trước khi mang thai
600mcg trong suốt thai kỳ
|
400 mcg | 600 mcg | 400 mcg
|
Iod | 200 mcg | 220 mcg | 290 mcg | N/A |
Sắt nguyên tố | 27 mg | N/A | 27 mg | 30-60 mg |
Vitamin A
|
≥19 tuổi : 770 mcg
14-18 tuổi 750mcg
|
10.000 UI | 1300 mcg | Chỉ khuyến cáo cho khu vực thiếu Vitamin A trầm trọng
|
Vitamin B6 | 1,9 mg | N/A | 2 mg | Không khuyến cáo
|
Vitamin B12 | 2,6 mcg | N/A | 2,8 mcg | N/A |
Vitamin C | ≥19 tuổi : 85 mg
14-18 tuổi : 80mg |
N/A | 120 mg
|
Không khuyến cáo
|
Vitamin D | 15 mcg | N/A | 15 mcg | Không khuyến cáo
|
Vitamin E | Không khuyến cáo, trừ khi thiếu
|
N/A | 19 mg | Không khuyến cáo
|
N/A : không có số liệu
Khi nào có thể ngừng sử dụng vitamin ‘bầu’ ?
Phụ nữ mang thai có thể gặp khó khăn trong việc uống vitamin bổ sung kéo dài do các tác dụng không mong muốn như vị tanh do acid docosahexaenoic (DHA), táo bón do sắt hoặc canxi, hoặc buồn nôn khi uống lúc bụng đói . Do đó, cần có sự cân bằng giữa thời gian uống và lợi ích sức khỏe của mẹ và thai nhi nhằm hạn chế việc bổ sung không cần thiết.
Sữa mẹ được coi là lựa chọn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Một trong những giá trị của sữa mẹ là cung cấp đủ các vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết cho em bé. Tuy nhiên, vẫn còn tranh cãi về việc chỉ cần chế độ ăn uống cân bằng thì có thể đủ để cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ sơ sinh hay không. CDC khuyến cáo tiếp tục bổ sung chất dinh dưỡng ở những bà mẹ cho con bú nếu họ có chế độ ăn hạn chế (ví dụ: ăn chay) . Tuy nhiên, những phụ nữ cho con bú có chế độ ăn uống cân bằng thì viên bổ sung dinh dưỡng vẫn có thể mang lại lợi ích. Lợi ích lớn nhất là đáp ứng đủ nhu cầu iốt tăng lên. Chưa có khuyến cáo rõ ràng hoặc cụ thể nào về việc bổ sung vitamin hay dinh dưỡng trong thời kỳ cho con bú .
Hầu hết phụ nữ cho con bú sẽ tiếp tục sử dụng loại vitamin đã dùng trong thai kỳ. ACOG không đưa ra khuyến cáo nào về việc có nên tiếp tục bổ sung vitamin trong thời kỳ sau sinh hay loại vitamin nào nên được bổ sung và liều lượng bao nhiêu. Bổ sung DHA, vitamin D, acid folic hoặc iốt đã được chứng minh là cải thiện thị lực của trẻ sơ sinh, khả năng phối hợp tay/mắt, sự chú ý, giải quyết vấn đề và xử lý thông tin. WHO khuyến cáo tiếp tục bổ sung vitamin ít nhất 3 tháng trong thời kỳ hậu sản ở những khu vực có tỷ lệ cao (> 40%) có tình trạng thiếu máu trong thai kỳ. Nên tăng lượng choline lên 550 mg/ngày trong thời kỳ cho con bú. Nói tóm lại, tiếp tục bổ sung vitamin trong thời gian cho con bú có thể hữu ích nếu người mẹ có thể dung nạp được và giá cả phải chăng.
Ths.Bs Lê Như Ngọc
ĐT : 0927599711